Đua nhau tăng giá
Từ cuối tháng 3-2021, giá phân bón vô cơ các loại đã đua nhau tăng giá. Giá phân bón trong nước cũng tăng theo đà tăng của phân bón thế giới, nhất là những chủng loại phân bón mà trong nước chưa sản xuất được.
Tuy nhiên, nhiều loại phân bón trong nước sản xuất được với sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu, hay như DAP chỉ đáp ứng được 60 - 70% nếu chạy hết công suất nhưng vẫn tích cực xuất khẩu và đua nhau tăng giá với nhiều lý do như "vẫn đảm bảo giá bán nội địa thấp hơn giá thế giới", "giá nguyên liệu đầu vào tăng", "nếu không tăng giá, phân bón giá rẻ trong nước có thể thẩm lậu ra nước ngoài"...
Thực tế phải khẳng định giá tăng là do yếu tố cung cầu. Nhưng có lẽ cũng cần thẳng thắn xem xét đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là Bộ Công thương, do đã không đánh giá đúng nhu cầu và thực tế tồn kho trong nước dù đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón cảnh báo sớm. Sự duy trì cứng nhắc thuế phòng vệ đối với phân DAP, MAP khiến giá phân nhập khẩu đã cao lại cao thêm hơn 1 triệu đồng/tấn khi đưa vào lưu thông.
Thành tích đáng buồn
Ngoài ra, sự thiếu quyết liệt trong việc ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu hoặc đánh thuế xuất khẩu đối với urê và DAP cũng góp phần khiến giá phân bón tăng mạnh. Số lượng DAP và urê xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ 6 tháng đầu năm nay phải được coi là thành tích đáng buồn, bởi giá xuất khẩu thường thấp hơn giá nhập khẩu cùng loại về trong cùng kỳ.
Vô hình trung, những "đặc ân" về chính sách bảo hộ và những ưu ái của Nhà nước với mong muốn xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón nhằm chủ động nguồn phân bón giá rẻ và ổn định cho nền sản xuất nông nghiệp nước nhà dường như đã không đạt kỳ vọng. Trong thực tế, việc xuất khẩu đang trực tiếp chuyển một phần hỗ trợ của Nhà nước ra nước ngoài thay vì dành cho nông dân trong nước.
Nhìn từ thực tế việc tăng giá hỗn loạn như mất kiểm soát thời gian qua, cần xem lại chính sách điều hành cứng nhắc của các cơ quan quản lý có trách nhiệm. Nếu không có các giải pháp quyết liệt và hữu hiệu như kiểm soát về giá (urê hiện vẫn là mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá), tạm ngưng hoặc đánh thuế cao khi xuất khẩu đối với hàng DAP và urê, tạm dừng áp thuế phòng vệ với DAP và MAP... thì nguy cơ nhiều nông dân bỏ ruộng vào vụ tới là rất lớn, khi giá nông sản vẫn đang rất phập phù.
Thiết nghĩ cần phải thanh tra để minh bạch số liệu hàng sản xuất, số hàng xuất khẩu, lượng bán ra và lượng tồn kho từng thời điểm để biết được lý do thực tế góp phần làm tăng giá bán phân bón trong nước của các nhà sản xuất DAP và urê hiện nay!
Nguồn: Tuoitre.vn - Vũ Duy Hải (Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam)