Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng phân bón xuất khẩu năm 2020 của cả nước đạt gần 1.2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 340 triệu USD, tăng gần 40% về khối lượng và tăng 27% về kim ngạch.
Tiếp đà tăng trưởng, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 473 nghìn tấn phân bón, trị giá hơn 150 triệu USD, tăng gần 56% về lượng, tăng gần 72% kim ngạch so với cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu trung bình phân bón các loại đạt 317 USD/tấn, tăng 10% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu phân bón trong 4 tháng đầu năm ghi nhận tăng cả về khối lượng và kim ngạch so với những năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu tăng kéo theo giá phân bón trong nước cũng "nóng" lên.
Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, trong tháng 5, giá phân ure tại cảng Quy Nhơn đã chạm ngưỡng 9,5 triệu đồng/tấn. Các đại lý ở các tỉnh Tây Nguyên nhập về có giá dao động từ 9,7 – 9,8 triệu đồng/tấn, tùy khoảng cách xa hoặc gần. Đến khi bán tới tay cho nông dân là 10 triệu đồng/tấn.
Giá phân bón tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long biến động cùng chiều, ure Cà Mau giá 525.000 đồng/bao, ure Phú Mỹ 520.000 đồng/bao.
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, giá phân ure đã tăng khoảng 3 triệu đồng/tấn, mức tăng kỷ lục hiếm thấy từ trước đến nay với thị trường phân bón.
Bộ NN&PTNT cho biết giá phân bón trong nước ở mức cao do giá các nguyên liệu dầu khí, hóa chất, đầu vào của ngành sản xuất phân bón trên thế giới đều tăng 30 - 40%. Điều này tác động trực tiếp tới mặt hàng phân bón như ure, DAP, SA, lưu huỳnh…
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 khiến giá cước vận tải, container rỗng bị thiếu trầm trọng đẩy giá cước vận tải biển tăng mạnh, nhiều tuyến đường biển tăng trên 100% cũng là một nguyên nhân khiến giá phân bón toàn cầu tăng.
Ngoài ra, Trung Quốc, thị trường sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới thời gian gần đây gặp khủng hoảng về than đá và khí đốt đã ảnh hưởng gián tiếp tới ngành sản xuất phân bón làm nguồn cung giảm.
Hiện, Chính phủ Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phân bón để ưu tiên mùa vụ trong nước nên nguồn cung phân bón thế giới bị thiếu hụt.
Bộ NN&PTNT đã chỉ ra 3 nguyên nhân khách quan tác động đến giá phân bón trong nước. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân chủ quan là do hai nhà máy sản xuất ure trong nước là Phú Mỹ và Hà Bắc cùng dừng máy để bảo dưỡng định kỳ từ giữa tháng 4.
Trong khi, nhà máy đạm Ninh Bình mới hoạt động trở lại từ ngày 23/4 đã khiến mặt hàng ure trong nước có thời điểm thiếu cục bộ, đặc biệt khi khu vực Tây Nguyên đang vào mùa mưa.
Một số nhận định cho rằng liệu có phải xuất khẩu tăng khiến nguồn cung trong nước hao hụt, "đội" giá phân bón tăng cao?
Trao đổi với người viết, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết: "Xuất khẩu phân bón dựa trên thực tế là phân bón sản xuất trong nước không những đã đủ đáp ứng cho nhu cầu nội địa mà còn dư thừa".
Tuy nhiên, để ổn định giá phân bón trong nước trước thềm vụ hè thu, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và FAV đã đề xuất các doanh nghiệp ngừng xuất khẩu phân bón, ưu tiên nguồn hàng cho thị trường trong nước tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đẩy giá.
"Hiện, các nhà máy lớn đang hoạt động tăng tối đa công suất sản xuất phân bón ure, DAP, MAP… Do đó, giá phân bón sẽ hạ nhiệt, nguồn cung trong nước ổn định", ông Hà nói.
Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng dự báo giá phân bón trong nước khả năng sẽ hạ nhiệt khi hai nhà máy ure đang bảo dưỡng cho sản phẩm trở lại.
Dự kiến ngày 16/5, nhà máy đạm Hà Bắc sẽ bắt đầu sản xuất trở lại với công suất 1.000 tấn ure/ngày. Cùng với nhà máy đạm Cà Mau công suất trên 2.000 tấn/ngày, nhà máy đạm Ninh Bình công suất 1.000 tấn/ngày, nguồn cung phân bón trong nước sẽ dồi dào hơn. Do đó, khả năng giá ure sẽ hạ nhiệt nếu giá dầu khí thế giới không biến động quá lớn.
Nguồn: Hoàng Anh/ Vietnambiz.vn